NGND.PGS.TS.BS. NGUYỄN VÕ KỲ ANH - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD
Với trẻ em, “học mà chơi, chơi mà học”, 0 – 6 tuổi là 'giai đoạn vàng' để phát triển trí não của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ.
Hệ thần kinh của trẻ đã bắt đầu hình thành ngay từ khi thụ thai và phát triển nhanh từ tuần lễ thứ 8 của thai kỳ. Khi sinh ra, trọng lượng não trẻ đã đạt ¼ trọng lượng não người trưởng thành. Đến 1 tuổi đạt 70-75%, đến 2 tuổi đạt 80% và đến 6 tuổi não trẻ gần như đạt 100% trọng lượng não người lớn. Một nghiên cứu của UNICEF cũng đã chỉ ra rằng, phân nửa khả năng thông minh của con hình thành và phát triển chủ yếu từ khi mới sinh cho đến khi lên 4. Do vậy, không đầu tư vào giai đoạn này sẽ "bỏ phí" khả năng cũng như hạn chế sự phát triển tối ưu của con, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng của con khi trưởng thành.
Trẻ học từ rất sớm thông qua những trải nghiệm trong môi trường sống
Tất cả những gì trẻ có thể học được ở giai đoạn đầu đời là nhờ trẻ được sống trong môi trường trải nghiệm khác nhau và lặp đi lặp lại nhiều lần. Ưu thế lớn nhất của trẻ nhỏ là có được sự nhạy cảm đối với những vật tiếp xúc lần đầu tiên và có khả năng ghi nhớ một cách dễ dàng, sâu đậm. Trẻ có thể cảm nhận thế giới xung quanh qua tất cả các giác quan của chúng như thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, kể cả biểu cảm không dùng ngôn ngữ.
Quá trình học thông qua trải nghiệm của trẻ giúp các kết nối tế bào thần kinh trong não trở nên mạnh mẽ hơn, hình thành nên hàng tỷ kết nối và mạng lưới dày đặc trên não bộ. Chính các kết nối tế bào thần kinh não quyết định mỗi cá nhân sẽ trở thành người thế nào. Nếu cha mẹ và những người chăm sóc, giáo dục trẻ biết quan tâm chăm sóc kích thích não bộ trẻ phát triển phù hợp, đa dạng và đúng đắn sẽ giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí tuệ tối đa cho cả cuộc đời và hình thành tính cách, phẩm chất, đạo đức của con người. Trái lại, khi não trẻ không nhận được sự quan tâm chăm sóc và giáo dục cần thiết, thì về sau sẽ cần rất nhiều nỗ lực để giúp não bộ có thể phát triển đúng tốc độ và nhiều khả năng sẽ không đạt được kết quả tối ưu.
Trí thông minh của trẻ phát triển vô cùng đa diện
Trí thông minh như một khả năng đơn lẻ hay chung chung bao gồm một loạt các năng lực, năng khiếu và tài năng. Trong công trình Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences (Cơ cấu trí não: Thuyết Trí thông minh đa diện), nhà tâm lý học Howard Gardner của Trường Harvard đã đề xuất ra thuyết Trí thông minh đa diện. Theo ông, năng lực trí tuệ thiên bẩm của mỗi con người vốn bao gồm 8 loại hình trí thông minh, chúng phối hợp cùng nhau để nâng cao “tổng lực” sức mạnh trí não lẫn sức mạnh thể chất của mỗi cá nhân, đó là:
• Trí thông minh ngôn ngữ (Verbal–linguistic Intelligence)
• Trí thông minh logic – toán học (Logical–mathematical Intelligence)
• Trí thông minh thị giác – không gian (Visual–spatial Intelligence)
• Trí thông minh âm nhạc – nhịp điệu – tiết tấu (Musical–rhythmic and harmonic Intelligence)
• Trí thông minh thân thể – vận động (Bodily–kinesthetic Intelligence)
• Trí thông minh tương tác – xã hội (Interpersonal Intelligence)
• Trí thông minh nhận thức bản thân (Intrapersonal Intelligence)
• Trí thông mình tự nhiên (Natural Intelligence)
Như vậy, ở một đứa trẻ có thể có nhiều loại trí tuệ thông minh khác nhau và có thể có những trí tuệ nổi trội hơn nhờ những tác động mà trẻ được trải nghiệm trong môi trường sống.
Với những trẻ nổi trội trí thông minh về thị giác – không gian (Visual–spatial Intelligence) thì màu sắc, hình ảnh, chính là đối tượng hữu hiệu để chuyển tải thông điệp đến các trẻ. Trẻ thường hay chú ý quan sát và thích thú với các loại sách, các đồ dùng, đồ chơi có nhiều màu sắc. Loại trí thông minh này có thể được phát huy thông qua sự rèn giũa bền bỉ, cũng như có chất xúc tác là niềm đam mê trải nghiệm với màu sắc. Một số danh nhân có sự thể hiện nổi trội về trí thông minh thị giác – không gian: Thomas Edison, Pablo Picasso, Frank Lloyd-Wright, Leonardo DaVinci.
Phản ứng của trẻ với màu sắc
Màu sắc có ở khắp mọi nơi và là một trong những thuộc tính đáng chú ý nhất của thế giới xung quanh chúng ta. Con người kết nối với thế giới màu sắc qua Thị giác. Sau khi ra đời, đôi mắt của trẻ đã có thể nhìn thấy, nhưng lúc này não vẫn chưa sẵn sàng để xử lý những thông tin phức tạp. Do đó, khả năng xử lý màu sắc của bé vẫn còn rất hạn chế. Đến 03 tháng tuổi, hầu hết các bé đã có sự phân biệt rõ ràng hơn về màu sắc. Từ chỗ yêu thích những đồ vật hoặc tranh đen trắng, bé sẽ chuyển sang yêu thích những màu sắc nổi bật rõ rệt như cam, đỏ, xanh… Đến tháng thứ năm, thị giác màu sắc của trẻ đã phát triển rất mạnh mẽ. Khoảng 03 đến 04 tuổi, trẻ sẽ nhận biết, xác định và gọi được tên các màu cơ bản, có thể phát triển các kỹ năng ngôn ngữ nói khi chúng sử dụng màu sắc như một công cụ học tập để mô tả và giao tiếp với người khác. Thị giác màu sắc của trẻ phát triển tiếp tục cho đến khi 10 tuổi. Trung bình, mắt người có thể cảm nhận được 150 màu khác nhau trong ánh sáng khả kiến.
Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng màu sắc ở nhiều vùng của não cho thấy phản ứng của con người về màu sắc là rất quan trọng. Khi màu sắc được truyền từ mắt đến não, não giải phóng một loại hormon ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trí và mức năng lượng. Những ảnh hưởng tâm lý tích cực và tiêu cực của màu sắc có thể được quan sát thấy ở người dựa trên sự kết hợp các màu được sử dụng. Ví dụ: trẻ cảm thấy bất ổn trong căn phòng sơn toàn màu vàng, nhưng chúng có thể cảm thấy yên bình và bình tĩnh trong một căn phòng được sơn kết hợp màu xanh dương, xanh lá cây và màu vàng.
Tác động của màu sắc đến trí thông minh của trẻ
Màu sắc là một phần của ngôn ngữ, văn hóa, và cũng là một phần quan trọng giúp tăng cường tiềm năng học tập, phát triển trí thông minh của con người, nhất là ở giai đoạn vàng của trẻ.
Màu sắc không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thẩm mỹ, nó còn có tác động đến tâm sinh lý, sức khỏe, cảm xúc, nhận thức, học tập và hành vi của một cá nhân. Đặc biệt là ở nhóm tuổi mầm non, trẻ đã bắt đầu đi học nhưng chưa có khả năng sử dụng kỹ năng đọc và viết trong giao tiếp, khi đó, màu sắc được xem như công cụ học tập cần thiết. Ví dụ, trong toán học, nhận dạng màu được sử dụng để phân loại, sắp xếp, so sánh. Khi trẻ học cách xác định màu sắc và sử dụng màu sắc như một công cụ ngôn ngữ để mô tả sự vật, nó sẽ phát triển và củng cố khả năng giao tiếp hiệu quả. Các nhà tâm lý học và bác sĩ nhi khoa Nga cho rằng màu sắc không chỉ giúp tâm trạng trẻ tốt hơn mà còn tăng cường trí thông minh, khả năng tập trung, chú ý ở trẻ. Nghiên cứu của tiến sĩ Anna Franklin, thuộc phòng thí nghiệm Surrey Baby (Anh) tiến hành ở 250 trẻ với việc dùng một số kỹ thuật test cũng như sử dụng thiết bị camera chuyên dụng để xác định màu sắc mà trẻ ưa chuộng qua cách nhìn, thái độ của trẻ đối với các màu sắc đó.
Mỗi màu sắc có một bước sóng, và mỗi màu này ảnh hưởng đến cả cơ thể và não theo những cách khác nhau. Sử dụng màu sắc và vị trí thích hợp có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, sự chú ý và hành vi trong quá trình học tập. Một số nghiên cứu về ảnh hưởng của màu sắc đến hiệu suất của não cho những kết quả bất ngờ. Dưới đây là một số màu sắc có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức và tâm lý giúp trẻ phát triển trí thông minh:
Màu đỏ: sau các màu đen, trắng, màu đỏ là màu trẻ nhận ra sớm sau khi sinh vài tuần tuổi. Trẻ tỏ ra vô cùng hứng thú với màu đơn sắc rực rỡ này. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng màu đỏ giúp trẻ nhớ lâu bởi nó tác động mạnh hơn tới các giác quan, từ đó việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn. Màu đỏ khi được sử dụng kết hợp với các tác động lặp lại hoặc định hướng chi tiết, nó có thể giúp cải thiện sự tập trung và hiệu quả.
Màu xanh lá cây: là màu mà mắt ta có thể dễ dàng nhận ra dưới nhiều cấp độ đậm nhạt nhất. Màu xanh lá cây có mặt khắp nơi xung quanh trẻ. Theo các nhà khoa học, màu xanh lá cây có mối liên hệ đặc biệt với thần kinh của trẻ, giúp trẻ tập trung hơn, phát triển kỹ năng tư duy và thúc đẩy khát khao tìm tòi hiểu biết, khám phá thế giới xung quanh. Ngoài ra, màu xanh lá cây cũng làm dịu tâm hồn trẻ, tạo cảm giác thư giãn, giúp trẻ tự tin hơn. Đây vốn là màu có quy mô lớn nhất trên thế giới.
Màu xanh dương: là màu của sự tin tưởng, tự tin, thông minh. Màu xanh dương khuyến khích hoạt động trí tuệ, lý trí và suy nghĩ logic, tiếp thu bài học nhanh hơn. Đó là màu của trí tuệ. Nó có sức mạnh giúp con người thích nghi với môi trường mới. Tone màu xanh dương đậm kích thích suy nghĩ rõ ràng và tone màu xanh dương nhạt hơn làm dịu tâm trí và hỗ trợ tập trung.
Màu trắng: là màu sắc dịu nhẹ, dễ nhìn và không bị lóa mắt, khó chịu. Chính vì vậy, nó mang đến cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, thư thái trong tâm hồn trẻ thơ. Màu trắng ngà giúp tăng hiệu quả học tập. Đây chính là tiền đề để kích thích trí thông minh của trẻ.
Màu hồng: là màu tươi sáng, thu hút sự ưa thích của trẻ em gái nói riêng và chị em phụ nữ nói chung vì nó tinh tế, nhẹ nhàng và tình cảm. Màu hồng có tác dụng làm dịu sự tức giận, lo lắng và được chứng minh là làm giảm nhịp tim. Đối với trẻ nhỏ, màu hồng giúp bé luôn cảm thấy bình an, nhẹ nhàng, dễ đi vào giấc ngủ sâu và ngon. Nếu trẻ sơ sinh ở trong căn phòng màu hồng sẽ cảm thấy dễ chịu và ngủ ngon hơn, tâm lý cũng đỡ bất an hơn nên rất tốt cho thần kinh. Nhờ đó mà trí thông minh của trẻ được kích thích và phát triển không ngừng.
Màu vàng: Màu vàng mang lại cảm giác ấm áp, làm tăng sự thích thú và khả năng hoạt động trí óc. Màu vàng tươi tạo cảm giác hạnh phúc và vui tươi; màu vàng nhạt tạo cho chúng ta cảm giác năng động, sáng tạo; màu vàng sẫm tạo cảm giác ấm cúng của sự vĩnh cửu. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều nó có thể gây kích ứng mắt dẫn đến cảm giác căng thẳng, khó chịu.
Màu cam: Là sự hỗn hợp hài hòa giữa hai màu đỏ và vàng. Màu cam là một màu sắc rất sôi động và tràn đầy năng lượng. Màu cam kích thích những suy nghĩ logic, tăng cường trí nhớ và có khả năng tăng cường oxy lên não. Nhờ đó não sẽ hoạt động tốt hơn, sáng tạo và thông minh hơn.
Màu tím: màu tím là sự kết hợp giữa sự mạnh mẽ của màu đỏ và sự vững chắc của màu xanh. Màu tím là biểu tượng của sức mạnh và sáng tạo, nó mang lại cảm giác bình tĩnh và ấm áp và thư giãn cao. Các điều tra đã cho thấy 75% trẻ thành niên thích lựa chọn màu tím hơn các màu khác.
Vậy câu hỏi đặt ra là, cha mẹ và giáo viên nên cho trẻ tiếp cận với màu sắc như thế nào để giúp trẻ phát triển trí thông minh?
Màu sắc không chỉ kích thích thị giác trẻ, nó còn kích thích não bộ giúp trẻ phát triển trí thông minh hơn. Trẻ nhỏ bị thu hút bởi màu sắc ấm áp, tươi sáng, học sinh tiểu học thích các màu sắc nhạt và nhẹ hơn, học sinh trung học cơ sở thích các màu như xanh lá cây và xanh da trời, còn học sinh trung học phổ thông thích các màu tối hơn như màu đỏ tía, xanh đậm và tím. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần tạo điều kiện ứng dụng tác dụng của các màu sắc vào thực tiễn để phát triển trí thông minh cho trẻ trong quá trình học giúp việc học tập tốt hơn.
>>1. Sử dụng màu sắc trong trang trí phòng ngủ, phòng chơi và nơi học tập của trẻ:
Tâm lý của trẻ sẽ được điều chỉnh bằng chính những gam màu được lựa chọn để trang trí cho phòng trẻ ngủ, chơi và học tập. Không gian nhiều màu sắc sẽ là môi trường tốt cho sự phát triển của trẻ. Với độ tuổi của trẻ nhỏ nên chọn những màu sáng và bắt mắt để tạo cảm giác yêu thương, ấm áp như màu vàng, màu xanh lá cây, màu xanh da trời, màu trắng, màu cam, màu hồng. Từ 5 – 10 tuổi có thể trang trí phòng theo chủ đề giúp trẻ phát triển tối đa trí não và sự yêu thích đặc biệt cho không gian riêng tư của mình. Nếu muốn điều chỉnh tâm trạng và hành vi của trẻ, nên bắt đầu từ việc thay đổi màu sắc: với một trẻ khá thụ động, hãy giúp trẻ trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn với việc chọn lựa những màu sắc tươi sáng như cam, vàng, đỏ; với những trẻ hiếu động, hãy trang trí căn phòng với gam màu xanh lục và xanh dương để tâm trạng của trẻ luôn được ổn định và tĩnh tại. Trẻ được sống, vui chơi và học tập trong gian phòng có màu sắc tươi sáng chỉ số thông minh trí tuệ (IQ) sẽ cao hơn, có tính sáng tạo hơn, còn nếu gian phòng có gam màu tối chỉ số IQ của trẻ thấp và phản ứng của trẻ chậm chạp hơn.
>>2. Giúp trẻ nhận biết màu sắc thông qua các hoạt động tương tác, giao tiếp của người lớn với trẻ:
>> 3. Cho trẻ học vẽ, nặn, tô màu:
Dựa trên những kết quả nghiên cứu qua nhiều năm, các nhà khoa học và tâm lý học đều khẳng định rằng trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi đã có khả năng dùng những hình ảnh có màu sắc như một biểu tượng để chuyển tải suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Trẻ bắt đầu được làm quen với bút màu, bột màu, để vẽ những gì mình nghĩ dù chỉ là những đường nét nguệch ngoạc hoặc có thể tự do nghịch ngợm với các màu nước, đất nặn. Từ 2 tuổi đến 8,9 tuổi, nên cho trẻ tập tô màu, vẽ tranh, nặn hình với bút màu, sáp màu, đất nặn… vừa là công cụ vui chơi, giải trí hữu ích vừa tác động tốt đến học tập thông minh qua các kết quả sau:
>> 4. Giáo dục sớm thẩm mỹ cho trẻ:
Giáo dục thẩm mỹ có tác dụng to lớn để phát triển các khả năng hoạt động trí tuệ như óc quan sát, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng. Sự đa dạng, phong phú của đặc điểm thẩm mỹ trên đối tượng được miêu tả làm xuất hiện những rung động, những xúc cảm thẩm mỹ. Từ đó giúp trẻ biết thưởng thức cái đẹp từ thiên nhiên, từ các tác phẩm nghệ thuật, kích thích thị giác phát triển, phát triển não phải với khả năng ghi nhớ chụp ảnh, sẽ khai mở trí thông minh, thúc đẩy khả năng sáng tạo. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ và nhận thức của trẻ. Do vậy, cha mẹ, giáo viên nên tạo môi trường giáo dục thẩm mỹ càng sớm càng tốt và đều đặn thường xuyên. Luôn vui vẻ, luôn tôn trọng và tin trẻ, để hướng dẫn trẻ tự vẽ, tự khám phá hội họa theo cách của trẻ. Luôn động viên và khen ngợi trẻ, lưu giữ những tác phẩm của trẻ hàng ngày và treo những tác phẩm đẹp để trẻ cảm thấy được quan tâm, cổ vũ, kích thích niềm đam mê của bản thân.
Tóm lại, nếu muốn con bạn học tốt hơn, hãy để ý đến sức mạnh của những màu sắc. Bởi vì 80% bộ não nhận được thông tin một cách trực quan nên hãy kết hợp các yếu tố màu sắc khi dạy trẻ ở nhà nhằm tô điểm cho bức tranh giáo dục của con bạn thêm hoàn hảo. Và hãy nhớ, những phương pháp này không phải để biến trẻ thành thiên tài hay thần đồng mà mục đích chính của việc áp dụng những phương pháp “chơi” với màu sắc này là để giúp trẻ phát huy tối đa những khả năng và tố chất mà trẻ có, giúp trẻ có nền tảng vững chắc về sức khỏe, trí tuệ và nhân cách ./.
NGND.PGS.TS.BS. NGUYỄN VÕ KỲ ANH –
Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD
MỘT SỐ NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO